Di tích Bạch Đằng Giang – Địa chỉ hấp dẫn cho hoạt động học tập
SV chăm chú lắng nghe thuyết minh lịch sử tại khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang
*: Bài viết sử dụng các kết quả nghiên cứu của Nghiên cứu khoa học cấp trường của sinh viên Bùi Văn Sâm lớp DL24
Khu di tích Bạch Đằng Giang nằm ở xã Thủy Nguyên, của thành phố Hải Phòng. Đường đến Bạch Đằng Giang khá dễ dàng, chỉ cách trung tâm thành phố gần 25 km và đi theo hướng quốc lộ chính. Đây là vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc sắc, bề dày lịch sử dân tộc và cũng là vùng đất yên bình với những con người thân thiện. Khu di tích này được bao bọc bởi dãy núi đá liền kề nối nhau san sát của Tràng Kênh, nối qua sông Giá tĩnh lặng, hiền hòa và chiếm lĩnh phần lớn di tích quần thể là dòng sông lớn Bạch Đằng chứng nhân của hàng nghìn năm lịch sử. Trước đây Bạch Đằng Giang chỉ là một địa danh đơn sơ, chẳng mấy ai biết đến. Tuy nhiên với những gì mà lịch sử đã ghi nhận, chính quyền địa phương đã tiến hành quy hoạch và phục dựng lại những chứng tích một thời hào hùng của dân tộc.
Cổng chính khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang
Hiện nay khu di tích Bạch Đằng Giang là một quần thể kiến trúc rộng lớn, mang nhiều yếu tố tâm linh lẫn nghệ thuật. Công trình được xây dựng vào năm 2008 và chính thức hoạt động đưa vào sử dụng vào năm 2011. Có thể coi Bạch Đằng Giang là một công viên rộng lớn, khang trang giúp du khách cảm nhận nhiều sự khác nhau về nghệ thuật kiến trúc hiện đại.
Quảng trường Chiến Thắng được xây nổi trên sông Bạch Đằng với diện tích 2000m2. Đây là nơi trang trọng đặt một công trình uy nghiêm, đó là tượng của 3 vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo.
Ba pho tượng nằm trong khuôn viên của Quảng trường Chiến Thắng
Các pho tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, mỗi pho có chiều cao 8m, trọng lượng 40 tấn. 3 vị anh hùng được tạc với thần thái sống động, mỗi vị mang một sắc thái riêng. Đức vương Ngô Quyền đứng giữa, chân đạp sóng, tay chỉ thẳng dòng sông Bạch Đằng, nơi vùi xác quân thù. Đức hoàng đế Lê Đại Hành áo bào tung bay trong gió, tay nắm chặt đốc kiếm, mắt rực sáng thiêu đốt quân thù. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn khoan thai, tay phải giữ “Binh thư yếu lược” Bình Nguyên, tay trái nắm chắc chuôi gươm, dánh hiên ngang trong tư thế: “Năm nay đánh giặc nhàn”.
Cả 3 vị đứng trên bệ đá, lưng tựa tùng xanh Thiên niên thịnh, mắt dõi trùng khơi trong tư thế uy phong, rực sáng giữa màu xanh của trời, của non, của nước, là sự hòa quyện linh khí Thiên – Địa – Nhân, làm nên sự trường tồn của đất Việt. Dưới mặt nước là bãi cọc tượng trưng cho thế trận năm xưa mà các tiền nhân đã cho dựng lên để tiêu diệt quân thù.
Hiện nay, Quần thể Khu di tích Bạch Đằng Giang là điểm du lịch độc đáo và là nơi giáo dục truyền thống anh dũng, bất khuất, nơi tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiên liệt đối với non sông, đất nước. Cùng với việc được tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, khi đến khu di lích này du khách không khỏi bất ngờ về sự khác biệt ở đây, khi đem so sánh với nhiều điểm văn hóa tâm linh khác.
Điều dễ cảm nhận là khu di tích rất sạch sẽ vì luôn có người quét dọn. Nói cách khác là không có rác thải từ du khách. Ở bất cứ con đường nào du khách cũng dễ dàng bắt gặp những bình nước lọc phục vụ miễn phí. Chính điều này đã khiến nơi đây không hề có hàng rong, quán nước bày bán. Điều đặc biệt hơn nữa là khi du khách đến đây tham quan sẽ không mất tiền vé vào cổng, không mất tiền gửi xe… Nhiều du khách khi đến đây đều ví von là khu di tích “ba không”.
Để khu di tích trở thành địa chỉ hấp dẫn với học sinh chúng ta cần chú ý bám sát chủ đề, nội dung sinh hoạt của từng đối tượng để chuẩn bị nội dung tuyên truyền một cách phù hợp, sinh động và cuốn hút nhất. Xây dựng một số chương trình, nội dung hoạt động hấp dẫn theo các ngày lễ lớn trong năm (3/2, 26/3, 30/4, 19/5, 27/7, 2/9, 20/10, 22/12...). Tham gia xây dựng và tạo điều kiện hỗ trợ về nội dung chuyên môn trong các hoạt động văn hóa, lễ hội ở địa phương, giúp cho các địa phương, đơn vị có điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức. Phối hợp với các ban, ngành, địa phương triển khai công tác tuyên truyền, quảng bá một cách trực quan, sinh động và có hiệu quả.
Lễ đón nhận xếp hạng di tích lịch sử Quốc Gia tại khu di tích
Tổ chức phát động các phong trào, chiến dịch tại di tích, gắn di tích với các hoạt động phong trào, đoàn thể. Liên hệ với các đồng chí lão thành cách mạng, những người trực tiếp hoạt động tại địa phương, để tổ chức các buổi nói chuyện, trao đổi, tọa đàm nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của địa phương gắn với di tích cho nhân dân và học sinh. Gắn kết các sinh hoạt đoàn thể với di tích theo các chuyên đề cụ thể: Sinh hoạt của Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên... Liên hệ chặt chẽ với các trường học để tổ chức các hoạt động bổ ích cho học sinh, thường xuyên kết hợp với nhà trường, tổ bộ môn lịch sử để xây dựng nội dung, giáo án thu hút các em đến với giờ học lịch sử địa phương tại di tích một cách thiết thực, trực quan sinh động. Phối hợp, hỗ trợ với nhà trường về công tác chuyên môn trong các cuộc thi tìm hiểu lịch sử và truyền thống văn hóa nhân các ngày lễ lớn như: Tài liệu tham khảo, câu hỏi, đáp án... Xây dựng một số nội dung chương trình đối thoại, giải đáp lịch sử, tiểu sử sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh cho học sinh và du khách tại di tích. Gắn kết các hoạt động phong trào, sinh hoạt, kết nạp Đoàn, Đội tại di tích để tăng tính thiêng liêng, ý nghĩa trang trọng cho các hoạt động.
Về phía Khu di tích Bạch Đằng Giang cần phải đặt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, bảo tồn hệ thống di tích dựa trên các tiêu chí và những cứ liệu lịch sử mà di tích vốn đã tồn tại, tuyệt đối trung thành với những nội dung lịch sử mà di tích đã trải qua. Phục dựng di tích như một dấu ấn lịch sử sinh động, gợi nhớ về một thời quá khứ hào hùng, các trận đánh lớn nhỏ và hoạt động yêu nước giúp cho khách du lịch cảm nhận được sự hy sinh giành lấy độc lập chủ quyền của ông cha ta... Tạo ấn tượng sâu sắc về truyền thống văn hóa lịch sử và những đóng góp to lớn của người dân địa phương đối với di tích. Chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ có khả năng nghề nghiệp, chuyên môn giỏi, nhiệt tình trong công tác phục vụ tại các di tích, cũng như xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở địa phương rộng lớn để thuận tiện trong việc quản lý và phát huy giá trị di tích. Ưu tiên một phần kinh phí để hỗ trợ cho các hoạt động liên kết, kết nghĩa, sinh hoạt và phát huy hiệu quả tại di tích.
Về phía các tổ chức, đoàn thể, ban ngành và địa phương, luôn phải tuyệt đối chấp hành tốt quy định của Nhà nước về việc bảo vệ, quản lý, sử dụng di tích lịch sử văn hóa theo Luật di sản văn hóa đã được ban hành. Chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội và nhân dân địa phương nêu cao ý thức bảo vệ, xây dựng di tích một cách tốt nhất. Đồng thời luôn có sự phối hợp nhiều mặt với cơ quan chuyên môn quản lý di tích, tạo sự gắn kết giữa hoạt động của các tổ chức, đơn vị và chính quyền địa phương với cơ quan quản lí di tích, nhằm không ngừng xây dựng di tích trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Chính quyền, các tổ chức xã hội và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động thường xuyên tại di tích, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân đến với di tích nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trước những di sản văn hóa quí giá về khu di tích Bạch Đằng Giang.
Tour du lịch kết hợp học tập cho học sinh tại Bạch Đằng Giang
Để khai thác hiệu quả khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, bác ban ngành, các cấp cần xây dựng một số tour du lịch kết hợp giữa học tập và tham quan dành cho học sinh, sinh viên tìm hiểu về kiến thức, những di chỉ khảo cổ, trận đánh năm xưa tại khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang. Tour dã ngoại tìm hiểu lịch sử Bạch Đằng Giang – “Tìm về cội nguồn”.
Thời gian |
Lịch trình |
7:30 |
Học sinh tập chung tại sân trường, điểm danh quân số, cấp phát các vật dụng cần thiết cho chuyến tham quan |
08:30 |
Di chuyển có mặt tại khu di tích Bạch Đằng Giang - TN |
8:45 – 11:30 |
HDV tập trung học sinh nghe cán bộ Khu di tích giới thiệu, thuyết minh, sau đó chia theo nhóm tham quan, tìm hiểu các hiện vật về lịch sử phát triển hào hùng của quần thể Khu di tích, xem phim tư liệu, các trận chiến lớn nhỏ trên dòng sông Bạch Đằng, sự hình thành và phát triển của khu di tích, cùng với nhiều hiện vật có giá trị được trưng bày tại khu di tích. (Mỗi lớp chụp một kiểu ảnh kỷ niệm) |
11:45 – 13:00 |
Tập trung di chuyển đến nhà cơm chay của khu di tích Học sinh dùng bữa trưa, giao lưu, kể chuyện về hành trình buổi sáng |
13:30 – 16:30 |
Học sinh tham gia tìm hiểu, giao lưu văn nghệ, tham gia các trò chơi do HDV tổ chức về các lĩnh vực lịch sử Bạch Đằng Giang, Tham gia làm công quả một thời gian ngắn tại Khu di tích -Trao giải cho đội chiến thắng, chụp ảnh lưu niệm toàn đoàn |
16:45 |
Tập trung, điểm danh quân số. HDV chia tay tạm biệt thầy cô cùng các em. Kết thúc chuyến đi thăm quan học tập tại khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang |
Đây sẽ là chuyến thăm quan học tập tạo không khí thoải mái, học sinh tìm hiểu lịch sử Việt Nam, thoải mái vui chơi giải tỏa áp lực học hành giúp các em trải nghiệm rèn kỹ năng sống, yêu quê hương đất nước bảo vệ môi trường. “Làm thế nào để học sinh Việt Nam yêu sử Việt?” là trăn trở của rất nhiều thế hệ người làm giáo dục. Bởi lẽ một dân tộc sẽ trở về con số 0 nếu mất đi lịch sử của mình. Chính lịch sử mang trong nó vận mệnh lớn lao thúc đẩy dân tộc với lòng tự tôn và niềm tự hào tiến bước trong tương lai. Trên thực tế, môn lịch sử trước nay luôn gắn liền với lối học vẹt, học gạo mà thiếu đi sự tư duy, chưa khơi dậy được hứng thú của trẻ. Trên hành trình đi tìm phương pháp giúp lịch sử trở nên dễ nhớ, dễ hiểu, chúng tôi nhận thấy phương pháp giáo dục trải nghiệm có thể hoàn thành sứ mệnh đó.
Thay vì học thuộc những con số và diễn biến khô khan, máy móc, các bạn nhỏ được tham gia các trò chơi mô phỏng, nhập vai thành các nhân vật lịch sử cách đây hàng trăm năm. Thay vì việc lắng nghe và tiếp thu kiến thức lịch sử thụ động, con bạn sẽ được rèn luyện tư duy lịch sử thông qua việc phân tích, giải thích các sự kiện lịch sử một cách logic, khách quan. Chúng ta tạo ra các đợt làm công quả theo từng khóa học dành cho các bạn thiếu nhi, những bạn trẻ có sự đam mê, muốn một cuộc sống tịnh tâm, an tịnh trong một khoảng thời gian hè thì Bạch Đằng Giang là một sự lựa chọn vô cùng hợp lý.
Từ những câu chuyện nhỏ, những điều khác biệt trong công tác quản lý ở Quần thể Khu di tích Bạch Đằng Giang đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Để thu hút du khách đến với các điểm du lịch, các địa phương thì nên chăng chúng ta cũng cần thay đổi từ những điều tưởng chừng là nhỏ nhặt này.